Bên rặng tuyết sơn

ben rang tuyet son review
“- Tại sao một bậc Maharaj như ngài lại mất công quét dọn, làm một việc thấp kém như thế? Tại sao ngài không dể cho người hầu làm?
Satyakam thản nhiên trả lời:
Chẳng có việc gì trên thế gian này là thấp kém cả. Tất cả mọi việc đều có tầm quan trọng riêng của nó. Đừng gán cho công việc những giá trị này nọ mà quên rằng ta chỉ đạt đến chân lý bằng cách mở rộng trái tim và ý thức hành động của mình qua những công việc dường như thấp kém hay nhỏ nhặt thế này.
Một người khác lên tiếng:
– Thưa Maharaj, điều ông nói rất hay, nhưng làm sao để những người vẫn còn phải làm việc để mưu sinh có thể áp dụng nó trong cuộc sống?
Satyakam đáp:
– Hãy làm việc như thường, nhưng đừng làm việc như một kẻ nô lệ. Vấn đề ở đây không phải là công việc, mà là thái độ đối với công việc. Hầu như tất cả mọi người đều làm việc một cách không ý thức và rồi thấy chán chường, khổ ải. Tại sao việc mưu sinh lại đem đến kết quả thảm hại như vậy? Phải chăng ta đã làm vì nghĩ rằng việc phải làm như thế? Tại sao ta không thể làm những việc đó trong trạng thái tự do hay làm vì tình yêu thương?
Một người lên tiếng:
Làm việc vì tình thương ư? Xin ngài hãy giải thích rõ hơn.
Satyakam gật đầu:
– Chữ “tình thương” rất khó hiểu. Tình thương không bao giờ có nếu ta không có tự do. Với những kẻ đang bị áp chế sẽ không có chỗ cho tình thương. Kẻ ấy sẽ làm việc như một nạn nhân chứ không bao giờ làm vì tình thương. Tương tự, nếu chúng ta làm việc một cách miễn cưỡng, thiếu vắng tình thương, thì công việc đó không thể là một công việc thực sự mà chỉ là gánh nặng, cho dù đó là việc ta làm cho những người thân như, vợ con, bạn bè hay cho chính bản thân ta.
Một người khác lại hỏi:
– Phải chăng Maharaj muốn nói rằng chúng tôi không biết yêu thương vợ con?
Satyakam nói:
– Nếu một người đàn ông thương yêu một người đàn bà và muốn cô ta thuộc về mình trọn vẹn, muốn cô ta luôn ở bên cạnh mình, ăn uống và hành động theo ý mình thì đó không phải là yêu thương mà là sự luyến ái bệnh hoạn của kẻ chiếm hữu nô lệ tưởng lầm là tình yêu đó thôi. Một thứ luyến ái như thế chắc chắn sẽ mang lại đau khổ. Tình thương chân thật không bao giờ có thể đem đến cho người ban rải nó sự đau khổ được. Nó chỉ mang lại sự sung mãn tràn đầy, niềm hạnh phúc, sự bình an mà thôi. Nếu không được như thế thì chắc chắn nó không phải là tình thương mà chỉ là một cái gì được người ta tưởng là tình thương đó thôi. Khi nào anh có thể yêu vợ con, họ hàng thân thuộc, hay trọn vẹn thế giới, yêu mà không hề đau khổ, ghen tuông, ao ước một cái gì cho mình hay đòi hỏi được đáp lại, thì anh mới có thể nói rằng anh yêu thương thật sự.
Trong kinh Rig Veda, đức Krishna đã nói: “Này Arjuna, hãy nhìn thượng đế. Nếu ngài chỉ ngừng hoạt động trong một giây thôi thì cả vũ trụ này sẽ tan rã. Ngài có lợi lạc gì trong việc đó đâu, thế tại sao Ngài lại phải làm như thế? Không phải vì Ngài yêu thương thế gian này hay sao? Thượng đé không đòi hỏi chúng ta điều gì cả vì Ngài yêu thương chúng ta. Tình thương thật sự không thể nào có sự gắn bó, đòi hỏi hay mong cầu. Nơi nào có sự bám giữ, mong muốn hay đòi hỏi thì ở chỗ đó chỉ có sự đổi chác, mua bán trên phương diện vật chất. Nếu sự mua bán này không được như ý thì đau khổ phát sinh. Tình yêu thật sự không bao giờ căn cứ trên sự luyến ái vật chất vì những người thật sự yêu nhau, dù có xa cách chân trời góc biển, tình yêu đó cũng không bao giờ phai nhạt và không bao giờ gây đau khổ cho nhau.”