
Trong lịch sử hình thành và phát triển của loài người, chúng ta đã phải trải qua vô vàn cuộc chiến tranh, với nhiều sự đau thương mất mát. Nếu ở thế kỷ XIX chúng ta phải chứng kiến cuộc CTTG I lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào cuộc chiến với số lượng người chết trên 19 triệu người, thì sang thế kỷ XX chúng ta còn phải đối mặt với một thế chiến có sức tàn phá kinh khủng hơn cuộc CTTG I đó là CTTG II. Bước sang thế kỷ XXI; khi mà hệ thống trật tự thế giới hai cực sụp đổ; cứ ngỡ rằng nhân loại sẽ được sống trong một thế giới không còn mùi của thuốc súng, không còn những tiếng bom nổ, nhân loại sẽ được sống trong một thế giới hòa bình và hạnh phúc. Nhưng thay vào đó chúng ta lại vẫn bị cuốn vào những cuộc nội chiến, xung đột sắc tộc diễn ra liên miên, những phiến quân khủng bố thì ngày càng lộng hành và chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi. Việc chúng ta giải quyết những cuộc xung đột, bạo lực ở quy mô lớn này như thế nào sẽ quyết định việc chúng ta sẽ sống hoặc chết ra sao.
“Chiến tranh” và “chống chiến tranh” là hai thuật ngữ nghe tưởng chừng như là đối lập nhau nhưng mà thực chất nó lại không đối lập nhau. Dù chúng ta có muốn hay không muốn thì chúng ta vẫn phải thừa nhận một điều rằng chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn ngừa được chiến tranh. Chúng ta không thể chống chiến tranh chỉ bằng những bài phát biểu diễn thuyết trước LHQ, những cuộc biểu tình hay những dòng tweet như “Tôi ghét chiến tranh, chiến tranh là phi nghĩa, ….”.
Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây: “Chúng ta nên làm như thế nào để chống lại chiến tranh một cách có hiệu quả?”. Theo Alvin và Heidi thì chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ và đầy đủ về bản chất và nguyên tắc của những cuộc chiến tranh thì khi đó chúng ta mới có thể nhìn thấy được tương lai của những cuộc bạo lực vũ trang và do đó thấy được kiểu chống chiến tranh mà tương lai đòi hỏi. Theo như luận đề của cuốn sách này thì chiến tranh là phản ánh cách chúng ta tạo ra của cải và cách chúng ta chống chiến tranh phản ánh cách chúng ta gây ra chiến tranh.

Alvin và Heidi đã chia chiến tranh ra làm ba làn sóng:
· Ở làn sóng chiến tranh thứ nhất thì tác giả cho rằng chiến tranh mang dấu ấn với nền kinh tế nông nghiệp. Bởi vì, nông nghiệp tạo ra khả năng sản xuất và dự trữ 1 sự dư thừa kinh tế đáng bị đánh chiếm và điều này đã thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của nhà nước.
· Cuộc cách mạng công nghiệp đã tung ra Làn sóng thay đổi lịch sử Thứ hai, làn sóng này đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người và một lần nữa chiến tranh lại phản chiếu những sự thay đổi trong việc sáng tạo ra của cải trong lao động. Sản xuất hàng loạt chính là nguyên tắc cốt lõi của nền kinh tế công nghiệp và sự phá hủy hàng loạt chính là nguyên tắc cốt lõi của chiến tranh thời kỳ công nghiệp.
Điều này có thể thấy rõ qua hai cuộc thế chiến I; II với con số thương vong lên tới hàng chục triệu người, những cuộc ném bom rải thảm khắp các thành phố các khu dân cư đã tạo nên những sự mất mát vô cùng to lớn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với nhân loại.
· Sự phát triển của chiến tranh hiện đại- chiến tranh thời đại công nghiệp – đã đạ đến mâu thuận tột đỉnh và đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng thực sự trong tư duy quân sự và phản ánh lực lượng kinh tế và kỹ thuật mới sinh ra từ làn sóng biến đổi III.
Trong kỷ nguyên mới này, việc tối giản lực lượng sản xuất đang là một trong những xu hướng mà thế giới đang hướng tới. Tri thức (dữ liệu, thông tin, hình ảnh, ký hiệu, văn hóa, tư tưởng và các giá trị) được xem như là nguồn lực chính của nền kinh tế làn sóng III. Những tư tưởng về “đất đai, lao động, nguyên liệu và vốn đều có hạn còn tri thức thi là vô hạn” không chỉ được các nhà kinh tế học xem trọng và ưu tiên mà ngay cả những chuyên gia về quân sự, những chiến lược gia cũng ngày càng ưu tiên việc sử dụng trí thức vào trong quân đội và những cuộc chiến. Việc giảm thiểu tối đa số lượng thương vong chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của Làn sóng chiến tranh III này. Các vũ khí quân sự ngày càng trở nên thông minh hơn và con người đã biết cách sử dụng vũ trụ làm chiều không gian thứ 4 cho chiến tranh. Có thể lấy ví dụ về cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991), đây là trận chiến đầu tiên trong lịch sử mà trong đó các lực lượng chiến đấu được triển khai, hỗ trợ chỉ hyt và giám sát thông qua liên lạc vệ tinh nhân tạo để có thể xác định rõ mục tiêu quân sự và rút ngắn thời gian chiến đấu, giảm tỉ lệ thương vong ở mức tối đa nhất.
Hay ý tưởng sử dụng Robot vào trong chiến đấu cũng bắt đầu được nhen nhóm, tuy nhiên cho tới bây giờ vẫn chưa được thực hiện do e ngại tính nhân đạo của nó mà những rủi ro mà robot mang lại khi chiến đấu như là: làm sao để robot biết đâu là phe địch và đâu là ta, liệu con người có đủ thông minh để có thể xử lý tất cả những tình huống phát sinh như thế này không?
Việc xem xét những biến đổi đã – đang – sẽ xảy ra sẽ cho chúng ta thấy được một hình ảnh đáng ngạc nhiên về bản chất của cả chiến tranh lẫn chống chiến tranh sẽ xảy ra trong thế kỷ XXI này. Nếu các binh sĩ và chính khách, các nhà ngoại giao về các thương thuyết về việc kiểm soát vũ khí, các nhà hoạt động vì hòa bình và các chính trị gia không hiểu được những gì đang chờ đợi phía trước thì có thể chúng ta vẫn sẽ tiến hành – hoặc ngăn chặn – những cuộc chiến tranh của quá khứ chứ không phải những cuộc chiến tranh của tương lai.
Khi nghe tới tiêu đề của cuốn sách này, thì trong đầu mình đã hình dung nội dung của cuốn sách này sẽ chứa toàn hình ảnh đau thương, những tiếng than ai oán của những nạn nhân của chiến tranh để răn dạy con người ta về những hậu quả của chiến tranh. Tuy nhiên tất cả mọi thứ đều khác xa với những gì mà mình đã tưởng tượng, trong cuốn sách này không hề có bất cứ hình ảnh đau thương nào, mà thay vào đó là những quan điểm, những cái nhìn mới về bản chất của những cuộc chiến tranh. Tất nhiên không phải là tác giả cuốn sách này không đồng cảm với các nạn nhân hay là cổ xúy cho chiến tranh mà là chỉ có đồng cảm và căm ghét thoi chưa đủ để chống chiến tranh. Thứ mà chúng ta thiếu ở đây chính là một tư duy mới về chiến tranh và những sự hiểu biết mới về mối quan hệ giữa chiến tranh và một xã hội đang thay đổi nhanh chóng.
Tuy cuốn sách này vẫn còn gây tranh cãi trong giới học giả. Họ cho rằng những quan điểm và cách lý giải của tác giả vẫn còn nhiều vấn đề phải tranh luận bởi tính khách quan khoa học của các lập luận đó, nhất là xét trên quan điểm và phương pháp luận Markxist. Song đối với mình đây vẫn là một cuốn sách đáng để đọc, tham khảo và tranh luận.