ĐẮC NHÂN TÂM

Vào khoảng 19 tuổi, mình có dịp được cầm quyển Đắc Nhân Tâm trên tay, cũng cố gắng đọc vài trang đầu, nhưng thú thật lúc đó tư duy của mình chưa đến nên mình không thể tiếp thu được những điều quyển sách muốn truyền tải. Sau rất nhiều năm, tư duy đã thay đổi đi khá nhiều, những quyển sách khác khi trước mình đọc lại thì mình lại có một cảm nhận khác lúc nhỏ rất nhiều. Nên mình quyết định sẽ thử sức lại với quyển sách này. Và kỳ lạ thay, lần này không hề khó đọc như mình đã tưởng, mình có thể tiếp thu rất dễ dàng từg câu chữ.
Khi đọc đoạn: “Những cách ứng xử này không những giúp hàn gắn lại những rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội, công việc mà còn tạo nên những tình cảm tốt đẹp, làm thăng hoa hạnh phúc gia đình” thì mình có suy nghĩ là có phải tác giả đang tự đề cao mình quá không? Tại sao lại có một phép màu như vậy?
Quyển này thì chắc nhiều bạn đã đọc rồi nên hôm nay mình tổng kết lại những kinh nghiệm quý báu mà mình cần phải học và trau dồi nha:
Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền!
_ Nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội hay lợi dụng lòng tốt của bạn xin hãy thứ tha thứ cho họ. Bởi vì có thể, nhờ họ mà bạn học được cách khoan dung.
_ Chỉ trích một người làm việc không khó. Vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào.
dac nhan tam
Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác.
_ Mỗi người được khen ngợi chân thành sẽ tự nhiên sửa đổi những tính xấu để trở nên hoàn thiện hơn.
Nguyên tắc 3: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm.
_ Dễ là khi nghĩ xấu về người khác nhưng khó là khi tặng cho họ niềm tin. Dễ là khi dập tắt giấc mơ của người khác và khó là khi gợi cho người khác một mong muốn tha thiết.
Nguyên tắc 4: Thật lòng quan tâm đến người khác.
_ Bạn có hai cánh tay: một để tự giúp mình, và một để giúp người khác.
Nguyên tắc 5: Hãy mỉm cười!
_ Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn.
Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ.
Nguyên tắc 7: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ.
Nguyên tắc 8: Nói về điều người khác quan tâm.
_ Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hoà. Một lời nói độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn. Một lời đúng lúc có thể mang lại bình an. Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc thật sự. Và có một lời nói có thể cứu được một con người.
Nguyên tắc 9: Thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng.
_ Làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng là một trong những cách thức hữu ích nhất để giúp họ sống và làm việc tốt hơn.
_ Ai cũng muốn được tán thành, được thừa nhận giá trị của bản thân. Ai cũng muốn có cảm giác mình quan trọng trong thế giới chật hẹp này. Ai cũng muốn được người thân, bạn bè hay các đối tác “khen ngợi chân thành và thật lòng” chứ không muốn nghe những lời nịnh hót, giả dối.
Nguyên tắc 10: Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
_ Đức Phật dạy: “Oán không bao giờ diệt được oán, chỉ có tình thương yêu mới diệt được oán”.
_ Nếu bạn cố tranh cãi để thắng thì đấy cũng chỉ là một chiến thắng vô nghĩa, bởi vì bạn sẽ không bao giờ nhận được thiện chí và sự hợp tác của đối phương.
Nguyên tắc 11: Tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói rằng: “Anh/chị sai rồi!”
_ Đừng bao giờ tranh cãi với khách hàng hoặc vợ, chồng bạn hay những người chống đối bạn. Đừng bao giờ bảo rằng họ đã sai. Đừng chọc giận họ. Hãy tự xử với họ một cách tế nhị, lịch thiệp và chân thành nhất.
Nguyên tắc 12: Nếu bạn sai, hãy nhanh chóng và thẳng thắn thừa nhận điều đó.
_ Bất kỳ một kẻ ngốc nào cũng cố bào chữa lỗi lầm và hầu hết mọi kẻ ngốc đều làm thế. Việc tự nhận lỗi sẽ giúp cho chúng ta khác biệt với số đông tầm thường và cho chúng ta một cảm giác tự hào cùng niềm vui cao thượng. Nhưng đó phải là sự tự nhận lỗi một cách thành thật chứ không phải giả vờ theo kiểu “cho qua chuyện” hay cố tình nhận lỗi để tỏ vẻ bề trên, theo kiểu “ta đây không chấp”.
_ Nếu bạn đã sai lầm thì không gì hay bằng thẳng thắn nói rằng: “Tôi đã sai”. Nhượng bộ không phải hạ mình, nhận lỗi không là nhục nhã.
Nguyên tắc 13: Luôn bắt đầu bằng một thái độ thân thiện.
_ Thái độ dịu dàng, thân thiện và những lời khen ngợi chân thành có thể khiến người ta thay đổi ý kiến dễ dàng hơn là gây căng thẳng, khó chịu.
Nguyên tắc 14: Hỏi những câu khiến người khác đáp “Vâng” tức thì.
_ Chìa khóa quý nhất là chiếc chìa khóa có thể mở lòng người. Hãy luôn nhớ rằng: Sự dịu dàng và thân ái có sức mạnh hơn vũ lực và giận dữ.
Nguyên tắc 15: Để người khác cảm thấy họ là người làm chủ cuộc nói chuyện.
_ Kẻ nào muốn lãnh đạo mọi người, hãy biết đứng sau và phụng sự mọi người.
_ Tỏ ra hơn người, người sẽ thành kẻ thù của ta. Biết nhường người, người sẽ trở thành bạn ta.
Nguyên tắc 16: Để người khác tin rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên.
_ Mọi người đều thích làm theo ý mình chứ không ai muốn hành động theo lời người khác sai bảo. Ai cũng thích được hỏi về những mong muốn, nguyện vọng và suy nghĩ của họ.
Nguyên tắc 17: Thành thật nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác.
_ Trong mọi mối quan hệ, phải biết bỏ qua cái tôi của mình và đồng cảm với người khác để suy xét mọi việc.
_ Mức độ lớn khôn và trưởng thành thật sự trong cuộc đời của mỗi con người tùy thuộc vào thái độ ứng xử của họ đối với người khác: dịu dàng với người trẻ, cảm thông với người già, chia sẻ với người bất hạnh, động viên người có chí hướng, tha thứ người mắc lỗi lầm, bao dung với kẻ yếu và khoan hòa với kẻ mạnh. Bởi lẽ, đến một lúc nào đó trong cuộc đời của mỗi con người, họ cũng sẽ lâm vào những cảnh ngộ tương tự.
Nguyên tắc 18: Đồng cảm với mong muốn của người khác.
_ Chỉ cần một cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là bạn có thể chia sẻ với tất cả mọi người.
Nguyên tắc 19: Khơi gợi sự cao thượng nơi người khác.
_ Nếu bạn cứ chỉ luôn nhìn vào mặt xấu của một ai đó, điều đó sẽ làm anh ta ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều tốt, chắc chắn anh ta sẽ làm được.
_ Nếu được yêu thương, con người sẽ biết yêu thương và trở nên đáng yêu hơn.
Nguyên tắc 20: Biết trình bày vấn đề một cách sinh động.
_ Một món ăn được trình bày sinh động sẽ làm thực khách cảm nhận rõ cái tài của người đầu bếp. Một truyện ngắn được viết sinh động làm độc giả nhận ra khả năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Một ý kiến được mô tả sinh động làm người nghe cảm nhận trí tuệ tinh tế của người nói.
Nguyên tắc 21: Biết khơi gợi tinh thần vượt lên thử thách.
Nguyên tắc 22: Bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành.
_ Khát vọng sâu xa của mỗi con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.
_ Không gì ít tốn kém bằng lời khen, lời cảm ơn và lời xin lỗi.
Nguyên tắc 23: Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp.
_ Con người vốn có bản chất kiêu hãnh tự nhiên. Việc nói thẳng ra rằng người nào đó sai lầm chính là một sai lầm lớn nhất.
Nguyên tắc 24: Hãy xét mình trước khi phê bình người khác.
_ Tin tưởng rằng mình có lý và chỉ duy nhất mình là người có lý là biểu hiện của một tầm nhìn hẹp và cố chấp.
_ Một trong những việc khó nhất trên đời là thừa nhận mình sai. Tuy nhiên, không có giải pháp nào hiệu quả hơn là thẳng thắn thừa nhận rằng mình đã sai.
_ Nếu bạn không thể ngẩng cao đầu và thừa nhận lỗi lầm của mình thì lỗi lầm ấy sẽ khống chế bạn. Việc tự nhận lỗi lầm không chỉ làm cho người khác tôn trọng bạn hơn mà còn phát triển sự tự trọng của bản thân mình.
Nguyên tắc 25: Gợi ý, thay vì ra lệnh.
_ Lời nói nhẹ nhàng có sức mạnh gấp nghìn lần so với mệnh lệnh quát tháo.
_ Ra lệnh bằng cách đặt câu hỏi là tạo điều kiện cho người nhận lệnh được cùng đưa ra quyết định. Và một khi họ tham gia ra quyết định, họ sẽ chủ động thực hiện quyết định ấy một cách sáng tạo và tích cực nhất.
_ Cố gắng đừng làm người khác bị tổn thương, dù là chỉ một câu nói đùa.
Nguyên tắc 26: Biết giữ thể diện cho người khác.
_ Giữ thể diện cho người khác là một điều hết sức quan trọng. Thế mà ít khi chúng ta để tâm tới. Chúng ta cứ tùy tiện quát nạt, phê phán, chỉ trích, đe dọa kẻ khác trước đám đông mà không hề kể gì đến lòng tự trọng mà ai cũng có. Thậm chí nhiều khi chúng ta còn cố tình xúc phạm người khác, cố bới móc ra lỗi lầm của ai đó. Chỉ cần suy nghĩ vài phút, với vài lời nói ân cần, thông cảm là chúng ta đã tránh được việc làm tổn thương người khác và cũng là tránh làm tổn thương chính nhân cách của mình. Song, đáng tiếc thay đa số chúng ta lại thích quát nạt hơn là bày tỏ sự tôn trọng người khác.
_ Làm thương tổn phẩm giá con người là một tội ác.
Nguyên tắc 27: Thật lòng khen ngợi sự tiến bộ, dù nhỏ nhất, ở người khác.
_ Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài, trong đó có con người phát triển. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những làn gió lạnh như cắt để phê phán và thường ngần ngại khi tặng người thân của mình những tia nắng ấm áp từ những lời khen tặng. Ngẫm nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy có những lời khen đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của một ai đó.
_ Mọi tiềm năng đều nở hoa trong ngợi khen và héo tàn trong chỉ trích.
Nguyên tắc 28: Khen ngợi làm người khác sống xứng đáng với lời khen đó.
_ Nếu muốn khuyến khích một điều gì ở ai đó, bạn hãy làm như điều ấy chính là đặc điểm vượt trội của người đó. Họ nhất định sẽ nỗ lực phi thường để trở nên như thế.
_ Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy.
Nguyên tắc 29: Khuyến khích, mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm.
_ Chúng ta không thể dạy bảo ai bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn bên trong con người họ.
Nguyên tắc 30: Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của bạn.
Nhìn chung, những nguyên tắc này đều liên quan đến nhau như những cái mắc xích. Đọc qua thì cảm thấy dễ dàng nhưng để ứng dụng vào đời sống thực tiễn thì khó vô cùng – khó chứ không phải là không thể – chúng ta cần phải có một thời gian dài để luyện tập, rút kinh nghiệm và thay đổi dần dần.