
Cho tới hôm nay, Guy de Maupassant (5/8/1850- 6/7/1893) vẫn tiếp tục là một trong những nhà văn lãng mạn ăn khách nhất thế giới. Những tác phẩm của ông như “Anh bạn đẹp”, “Một cuộc đời”, “Viên mỡ bò” hay “Món tư trang”… vẫn được ấn hành với số lượng khổng lồ.
Tài năng, hào hoa, rất được phụ nữ mến mộ nhưng Guy de Maupassant đã phải trải qua những ngày đời rất không bằng phẳng và không đơn giản. Kịch tác giả người Ireland, Bernard Shaw đã có lần nhận xét: “Cuộc đời của Maupassant thực ra lại bi thảm hơn nhiều lần cái chết của Juliette”.
NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN
Guy de Maupassant sinh ra trong lâu đài Miromesnil ở vùng Normandie, gần Dieppe. Cha ông thuộc dòng họ quý tộc đã ít nhiều bị suy giảm, còn mẹ ông xuất thân từ một gia đình tư sản. Cha mẹ nhà văn tương lai li dị nhau khi con mới 11 tuổi. Cậu bé Guy đã cùng em trai sống với người mẹ yêu quý. Do ảnh hưởng của mẫu thân nên nhà văn rất dị ứng với cha mình và ngay từ nhỏ đã quyết định không lấy vợ cho tới cuối đời.
Thêm một thử thách cay nghiệt nữa đã đến với cậu bé là việc cậu hay tin rằng mình đã mắc chứng giang mai di truyền. Dẫu về sau Maupassant luôn khẳng định rằng ngay từ bé ông đã chữa khỏi căn bệnh khủng khiếp do cha mẹ để lại này nhưng rồi nó lại trở về ám ảnh ông ở tuổi trưởng thành.
Trình độ y học thời đó đã bất lực trước bệnh giang mai. Không chỉ một mình Maupassant bị mắc nó mà còn nhiều danh nhân nghệ thuật khác cũng từng bị nó ám ảnh, như danh họa Gauguin, các nhà thơ Nerval, Baudelaire, danh họa Van Gogh, triết gia Nietzsche, danh họa Manet cùng nhiều tên tuổi lớn đương thời. Tất cả họ đều bị tác giả của “Anh bạn đẹp” gọi đùa là “những quý ngài giang mai”. Nhà văn Pháp vĩ đại ý thức được nỗi nguy hiểm của căn bệnh trọng này, nhưng thoạt tiên đã coi nó chỉ như một trò trớ trêu thôi “Tôi đã mắc bệnh giang mại, một căn bệnh thực sự nguy hiểm chứ không phải chứng nhức đầu sổ mũi… Nó đúng là bệnh giang mai thực, từng khiến Francois Đệ nhất phải chết. Nhưng cũng có làm sao! Tôi ghét nhất là thói tiểu tư sản ủy mị. Chúa ơi, tôi đã mắc bệnh giang mai, có nghĩa là tôi không cần phải sợ bị lây nó nữa…”
ĐỔI ĐỜI VÌ THƠ
Năm 13 tuổi, Maupasssant được đưa vào trường Dòng ở Yvetot, nhưng do tính tình hiếu động nên cậu rất không thích môi trường khắc khổ ở đó. Guy đã thường xuyên bỏ học và bày ra các trò tinh nghịch. Cuối cùng thì nhà văn tương lai cũng đạt được mục đích của mình: cậu bị đuổi khỏi trường Dòng. Lý do dẫn tới việc này là những thử nghiệm thi ca đầu tiên của danh nhân tương lai. Guy đã viết bài thơ trào phúng “Tự lâu đã tách khỏi đời” với lời tuyên bố là sẽ không từ bỏ mọi thú vui trần thế ngay cả trong nếp sống “chết chóc chung thân” ở trường Dòng.
Phải mất rất nhiều công sức của người mẹ mà nhà văn tương lai mới lại được nhận vào học ở một trường trung học nội trú khác tại Rouen. Guy cảm thấy hài lòng với nơi học mới, nơi cậu có được nhiều sự tự do hơn vì không bị ai ngăn cản việc làm thơ. Hơn thế nữa, trong số các giáo viên ở Rouen lại có một người là bạn của văn hào Gustave Flaubet. Đó là nhà thơ, nhà viết kịch Louis Bouilhet, người đầu tiên đã phát hiện ra mầm mống tài năng văn học ở chàng trai trẻ Maupassant.
TỪ “MỘ PHẦN” TỚI “NHÀ TÙ”
Năm 19 tuổi, Maupassant đã tốt nghiệp trường trung học Rouen và vào học ở khoa luật. Thế nhưng, dự định trở thành luật sư của nhà văn tương lai đã bị ngắt đoạn vì cuộc chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ, khiến Maupassant phải vào phục vụ trong quân đội trong hai năm 1870-1871.
Sau chiến tranh, Maupassant đã không có được điều kiện để hoàn tất chương trình đại học: vì cuộc khủng hoảng kinh tế nên khả năng tài chính của gia đình bị giảm thiểu. Maupassant phải lên Paris vào làm một công chức quèn trong Bộ Hải quân, nơi mà chỉ ít lâu sau đã bị nhà văn tương lai gọi là “nhà tù”. Mức lương quá ít ỏi chỉ có thể giúp cho Maupassant sống chật vật với cả nguồn trợ cấp hàng tháng từ người cha.
Đó đã là giai đoạn không đơn giản trong đời Maupassant còn vì ở Bộ Hải quân, các đồng sự rất coi thường chàng công chức trẻ. Không ai trong số họ cảm thông với đam mê văn học và không hiểu nổi ước mơ trở thành nhà văn của Maupassant. Phải tới tuổi tam thập Maupassant mới tìm được cách thoát thân khỏi “nhà tù”: sau khi được in truyện ngắn đầu tiên năm 1880, chàng viên chức tài năng đã được mời vào chân viết theo dòng thời sự ở tòa soạn báo Le Gaulois.

THIÊN TÀI ĐẠI LÃN
Ngay từ khi còn là viên chức ở Bộ Hải quân, Maupassant đã trau dồi kỹ năng văn học với ông thầy Gustave Flaubet. Tác giả “Bà Bovari” đã buộc chàng trai tài năng phải luyện bút hàng ngày: “Từ năm giờ chiều tới mười giờ sáng cậu phải dành toàn bộ thời gian cho sáng tác… Đối với người làm nghệ thuật chỉ có duy nhất một nguyên tắc – hy sinh tất cả cho nghề”. Ông thầy nghiêm khắc trong suốt thời gian dài đã cấm không cho Maupassant in các tác phẩm mới sáng tác, coi đó là “chín non” vì không muốn biến chàng trai thành người “nửa đời nửa đoạn”. Nhưng khuyên răn của nhà văn lớn đã không vô ích: chính trong những năm đó công việc sáng tác của Maupassant đã diễn ra rất mạnh mẽ. Ông đã làm nhiều bài thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản. Ông cũng tích lũy được rất nhiều cốt truyện hay. Tuy vậy, đôi khi ông thầy cũng bắt buộc phải viết thư kêu ca với thân mẫu của nhà văn lớn tương lai: “Tôi có cảm giác rằng chàng trai của chúng ta có vẻ như thích cảnh vô công rồi nghề hơn và không chịu khó làm việc. Tôi rất muốn cậu ta phải bắt tay vào viết một tác phẩm thật dài, dù có thể chẳng để làm gì cả… Điều chính yêu trong thế giới này – chắp cánh cho tâm hồn bay lên đỉnh cao sáng tạo…”
Chính Flaubet đã giới thiệu để Maupassant làm quen với Emile Zola, Hippolyte Taine, Ivan Turgenev, những người đã tác động một cách tích cực tới sáng tác của chàng trai tài năng. Đáng tiếc là cái chết của tác giả “Bà Bovari” năm 1880 đã làm đứt đoạn mối liên hệ của Maupassant với thế giới của những người làm nghệ thuật nghiêm túc. Không có sự kèm cặp của Flaubet, Maupassant đã thay đổi môi trường sống và “thuê một căn hộ chất đầy những bức tranh tầm tầm theo phong cách Henri Đệ nhị”.
Tuy nhiên, tới thời điểm đó Maupassant đã đạt được thành công lớn không chỉ trong nước Pháp mà cả ở nước ngoài. Nhờ những dạy dỗ của ông thầy vĩ đại mà ông đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà văn Pháp được dịch ra các ngoại ngữ nhiều nhất và thu nhập của ông đã vọt lên mức 60 nghìn quan một năm. Với số tiền này, Maupassant không chỉ có thể giúp đỡ cho người mẹ đã bị phá sản và gia đình người em trai luôn ốm yếu, mà còn mua được nhà và du thuyền.
NGƯỜI PHÁP ĐÍCH THỰC
Người ta đã thống kê được rằng, chỉ riêng trong năm 1885, Maupassant đã viết được tới 1500 trang văn xuôi (chưa kể những ký sự hay tiểu phẩm được công bố trên báo chí hàng tuần). Kỷ lục này là mơ ước của ngay cả những tên tuổi lớn như Balzac, Dickens hay Dumas cha.
Viết nhiều như thế nhưng Maupassant hoàn toàn không phải típ người đóng cửa ngồi lì bên bàn giấy. Bên cạnh sáng tác văn học, ông còn dành nhiều thời gian cho môn đua thuyền. Ông đã là một vận động viên thuyền buồm đích thực, có thể ngồi chèo thuyền tới 50 dặm một ngày. Thế nhưng, niềm say mê lớn hơn cả của ông lại là phụ nữ!
Những người sống đồng thời với Maupassant đã ghi nhận rằng, nhà văn lớn này từng rất tự hào về những chiến công vô tiền khoáng hậu trên tình trường của mình, thậm chí còn tự hào hơn cả các tác phẩm văn chương. Ông đã trải qua vô số những cuộc tình kỳ thú và phiêu lưu, gần như đã trở thành “người thợ săn vĩ đại” đối với phái đẹp. Nhà văn rất đắm đuối với các nữ bá tước trẻ trung cũng như những “sư tử cái thượng lưu”: họ mặc dù coi thường thói giăng hoa của nhà văn lãng tử nhưng vẫn bị sức hút của tài năng xuất chúng quyến rũ… Lắm khi Maupassant cùng một lúc “bắt cá nhiều tay” và biến những câu chuyện tình rối rắm trong đời thực thành cốt truyện hấp dẫn trong các sáng tác của mình.
DI SẢN NẶNG NỀ
Năm 1889, Maupassant đã bị chấn động bởi cái chết của người em trai mắc bệnh điên. Nhà văn danh giá cũng linh cảm về một kết cục tương tự đối với mình. Họa vô đơn chí, chứng bệnh giang mai lại không ngừng phát triển khiến nhà văn sung sức cảm thấy rất khó chịu với việc mình đang bị mất dần khả năng sáng tạo vốn có.
Tới những năm 90 của thế kỷ XIX, tình hình sức khỏe của Maupassant đã trở thành chủ đề ầm ĩ thường xuyên trên mọi tờ báo ở Pháp. Những phóng viên lá cải không hề nương gì danh tiếng của ông và đã viết về việc ông bị suy giảm sức khỏe nặng nề nên phải bị đưa vào nhà thương điên. Rồi ông thực sự đã bị mất trí, đến mức có lần định tự sát. Người viết tiểu sử đầu tiên của Maupassant, Albert Lumbrozo, đã ghi lại câu chuyện cảm động về niềm hy vọng của bạn bè nhà văn về việc khôi phục lại sức khỏe cho ông:
“Họ nghĩ rằng hình ảnh cái du thuyền yêu quý có thể sẽ đánh thức lại trong ông trí nhớ đang lụi tàn, khôi phục lại tư duy từng rất sáng sủa và đang bị phai nhạt dần đi. Và họ đưa nhà văn tội nghiệp bị trói trong tấm áo sơ mi tới bờ biển. “Anh bạn đẹp” lắc lư theo nhịp sóng… Bầu trời xanh lơ, không khí trong làng, những đường nét mềm mại của du thuyền yêu quý – tất cả những điều này như làm lòng ông dịu lại… Ánh mắt ông trở nên êm ả hơn… Ông say sưa ngắm con thuyền của mình một cách đầy dịu dàng… Môi ông mấp máy nhưng không thốt ra được lời nào. Rồi ông được dẫn về nhà. Ông ngoái lại nhiều lần về phía con thuyền “Anh bạn đẹp”. Tất cả những ai ở quanh ông lúc đó đều lệ trào mi mắt…”
Thế nhưng đã chẳng có gì có thể đưa Maupassant trở lại nếp sống cũ. Năm 1892, ông được đưa vào nhà thương điên và qua đời một năm sau đó, vào ngày 6/7/1893…