Hai Câu Hỏi Lớn Về Chiến Tranh – Câu Trả Lời Từ Lev Tolstoy

hai cau hoi lon ve chien tranh
Dù bạn có đặt ra biết bao nhiêu mỹ từ để gọi tên cái đang diễn ra trên thế giới lúc này, thì đó vẫn thực là chiến tranh. Lương tâm bạn không cho phép bạn chối bỏ điều đó! Nhưng vì sao lại có chiến tranh? Và ta cần phải có thái độ thế nào trước chiến tranh?
Tôi mời bạn nghe Lev Tolstoy trả lời.

CÂU HỎI 1: VÌ SAO CÓ CHIẾN TRANH?

Romain Rolland, trong cuốn “Đời Tolstoy,” đã gọi Lev Tolstoy là kẻ hoang tưởng. “Một kẻ tiên tri là một kẻ hoang tưởng; ông ta bước đi trên trái đất, nhưng thấy cuộc sống của vĩnh cửu.” Rolland dường như phân tách thế giới thành hai phần: một phần thiểu số gồm những kẻ hoang tưởng như Lev Tolstoy – phản đối chiến tranh và kêu gọi xây đắp tình huynh đệ thiêng liêng, và những kẻ mù – “không thấy sự kỳ diệu của cái tâm thức vĩ đại này, hiện thân của tình huynh đệ, giữa một dân tộc và một thế kỷ bị ô nhiễm bởi máu và sự thù hận!”
Tuy Lev Tolstoy được đặt đứng tách ra với những kẻ mù dung dưỡng máu và thù hận, thì trước kia Lev Tolstoy cũng từng là một kẻ mù như thế; và do đó, cách nào đó, người trong cuộc sẽ hiểu rõ nhất căn cơ của máu và thù hận – chiến tranh!
Từ khi còn rất trẻ, Lev Tolstoy đã nhận ra trong con người, luôn có ba con quỷ: đam mê cờ bạc, nhục dục, tính tự mãn. Trong đó, sự tự mãn là khó trị nhất, và là nguyên nhân gây ra các xung đột ngay trong nội tâm, và giữa người với người.
Lev Tolstoy từng có cơ hội chứng nghiệm điều này. Đó là khoảng thời gian ông nhập ngũ và tham gia chiến sự tại Sebastopol, là dịp ông “quan sát kẻ đang chết và kẻ đang sống.”
Trong bài ký sự thứ nhất về Sebastopol, Lev Tolstoy thể hiện mình là một kẻ mù – điều mà sau này ông mới nhận ra: khi ấy, ông đã ca ngợi chiến tranh. Nhưng trong bài ký sự thứ hai, ông đã ghi: “Đây là tự ái, sự kiêu ngạo của hàng ngàn người đang xung đột, hay được xoa dịu trong cái chết. […] Kiêu ngạo, kiêu ngạo khắp nơi, thậm chí ở cánh cửa của nấm mồ! Nó là căn bệnh đặc thù của thế kỷ chúng ta…”
Từ đó, ông bắt đầu nguyền rủa chiến tranh, coi chiến tranh là hiện thân rõ rệt nhất cho sự kiêu mãn của con người. Sự kiêu mãn mà ông nhận ra tại Sebastopol còn tiếp diễn nơi sự đối kháng giữa phái bảo thủ và phái cấp tiến trong xã hội Nga lúc bấy giờ. Trước những thực tế đau lòng, ông càng quả quyết, sự tự mãn nơi lòng dạ con người sẽ khiến họ trở thành những kẻ tự xưng là đang “phục sinh” nhân loại – bạn sẽ thấy lại điều này khi đọc các tuyệt tác của F. Dostoevsky. Những kẻ ấy đều là “kẻ sát nhân dưới lớp vỏ mô phạm, một kẻ thông minh kiêu ngạo, khô cằn, không yêu con người, mà chỉ yêu những ý kiến.”
Quả vậy, họ chỉ yêu các quan điểm, chứ không yêu con người, nên họ sẵn sàng dùng mọi thứ, kể cả chiến tranh, để bảo vệ các quan điểm.
hai cau hoi lon ve chien tranh

CÂU HỎI 2: TA CẦN CÓ THÁI ĐỘ GÌ VỚI CHIẾN TRANH?

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Hay ít nhất, bạn nghĩ bản thân bạn và người khác nên làm gì?
“Suy niệm mỗi ngày” được chính Lev Tolstoy xem là tuyệt tác của đời mình. Ông đã sưu tập tư tưởng của nhiều tác giả khác nhau, trong đó nhiều điều là suy nghiệm của chính ông, về nhân sinh và chân lý. Những thu nhặt này được thực hiện vào giai đoạn 1905-1906, mà ông xem là đỉnh cao sự khủng hoảng trong xã hội Nga. Giữa cuộc khủng hoảng ấy, ông đề xuất con đường duy nhất để giải trừ chiến tranh, giải trừ bao xung đột chính là tình yêu.
Trước hết, tình yêu này phải hướng đến người khác. Tự bản tính, con người luôn yêu chính mình – và đây không là điều xấu. Nhưng nếu yêu chính mình đến độ thượng tôn tình yêu ấy thì mọi chuyện sẽ khác. “Nếu chỉ yêu thân xác mình, bạn sẽ mang sự đau khổ đến cho kẻ khác.”
Thứ đến, tình yêu vô vị lợi mới giúp con người tránh được các xung đột. Tình yêu chân thực không mong được đáp đền. Khi yêu người khác, bạn mong muốn điều tốt lành đến cho họ. Và điều tốt lành chân thực nhất chính là yêu họ và không mong nhận lại các thỏa thuận.
Tiếp nữa, nội hàm của đối tượng người khác ở đây bao hàm cả kẻ thù. Lev Tolstoy thấm nhuần giáo lý Ki-tô giáo về tình yêu đại đồng. Thật ra, lập luận của Tolstoy rất đơn giản: tình yêu chân thực xóa nhòa các khác biệt và đối kháng.
Lev Tolstoy còn nói nhiều điều khác liên quan đến tình yêu nữa; nhưng với tôi, ba điều kể trên là ba điều căn cốt nhất. Và bạn có để ý không? Ba điều ấy lại chính là ba điều được các bên chủ chiến, trong suốt dòng lịch sử xưa nay, dùng để biện hộ cho các cuộc chiến của họ. Họ cũng nhân danh tình yêu vì kẻ khác để gây chiến – mà họ gọi là can thiệp nhân đạo. Họ cũng nhân danh tình yêu để đặt ra các điều kiện, buộc kẻ bại trận phải thỏa đáp – mà đây lại là một hình thức tinh vi của sự áp bức. Họ cũng nhân danh tình yêu để loại trừ kẻ thù – mà kẻ thù là ai, nếu không phải là kẻ không chung thuận với họ?
Chắc Lev Tolstoy đã từng đọc, ngẫm nghĩ và lấy làm tâm đắc lời này trong Kinh Thánh Ki-tô giáo: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?”
Bạn thân mến!
Nói về chiến tranh là nói về hòa bình. “Lời dạy về hòa bình là một kết quả tự nhiên của lời dạy về tình yêu.” Lev Tolstoy nói phải, nếu ta không quán xét lương tâm, không dẹp bỏ cái tự mãn cố hữu trong ta, vốn sinh ra xung đột và chiến tranh, thì ta không thể yêu người khác cách chân thực, và do đó, cũng không thể xây đắp hòa bình.