Harvard bốn rưỡi sáng

Harvard bốn rưỡi sáng
Với tất cả sự tập trung và tận dụng thời gian rảnh rỗi lúc nghỉ hè, mình đã hoàn thành cuốn “Harvard bốn rưỡi sáng” sau 2 ngày. Ban đầu khi mới mua sách về, mình còn khá hoài nghi về độ tin cậy của cuốn sách, bởi theo một bài báo, sinh viên Harvard không giống hoàn toàn như trong sách đề cập và cho rằng những thông tin trong sách là sai sự thật. Thế nhưng đã mua rồi nên mình quyết định gạt hết những định kiến ban đầu đó sang một bên và bắt đầu đọc. Mà trước khi đến với cuốn sách, mình cũng mong sau khi đọc “Harvard bốn rưỡi sáng” mình sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức về việc học sao cho hiệu quả để chuẩn bị cho năm học lớp 8. Và quả thực sau khi đọc nó, mình cũng thấy được truyền lại khá nhiều kiến thức bổ ích. Đơn nhiên việc đọc là một chuyện, nhưng thực hành như thế nào mới thật quan trọng và gian nan.
Trước hết mình muốn nói về những điểm mà mình cho rằng cuốn sách đã làm tốt và khiến nó trở nên đặc biệt:
1. Tác giả đưa ra rất nhiều những ví dụ thực tế người thật việc thật để thuyết phục người đọc cho luận điểm của mình. Cụ thể, họ chủ yếu là những cựu sinh viên của trường đại học Harvard trứ danh, như Bill Gates, Lưu Minh Châu, Benjamin Franklin… Thậm chí không chỉ có sinh viên Harvard mà còn có những tấm gương xuất thân bình thường, thậm chí trắng tay vẫn đã thành công trong sự nghiệp như để khẳng định với độc giả rằng bất kì ai, cho dù bạn xuất phát ở đâu vẫn có cơ hội thành công nếu như có những yếu tố mà sách đã đề cập. Bên cạnh đó, tác giả còn lấy dẫn chứng từ những câu chuyện ngụ ngôn về các loài động vật mà theo như tác giả nói là do các vị giáo sư trường Harvard kể lại cho sinh viên.
2. Điểm tiếp theo mình thấy hay ở cuốn sách này là đó chính là cách tác giả lập luận để làm sáng tỏ quan điểm của mình. Cách lập luận này rất thuần văn nghị luận mà bọn mình được học năm lớp 7 nên mình thấy có thể học được ít nhiều về điều này. Cụ thể, mỗi chương là một luận điểm lớn, ở mỗi chương lại có những luận điểm nhỏ được phân chia rất rõ ràng, để làm rõ luận điểm nhỏ thì tác giả luôn bắt đầu bằng một câu nói truyền cảm hứng của Harvard được in đậm, kế đến là những nhận định ban đầu của tác giả, rồi đưa ra hàng loạt các dẫn chứng như mình nói ở trên, chốt lại bằng phần “bí quyết thành công của Harvard”, cuối cùng là phần “Harvard thử thách bạn”.
3. Một điều hay nữa mà mình nhận thấy ở cuốn sách đó là phần “Harvard thử thách bạn”. Ở phần này có hai dạng bài “thử thách”, thứ nhất là Trắc nghiệm tâm lý và thứ hai là Thử thách tư duy. Các bài Trắc nghiệm tâm lý giúp chúng ta hiểu rõ hơn về từng khía cạnh ưu nhược điểm của bản thân, từ đó tác giả giúp ta vạch ra những giải pháp để sửa chữa những điều chưa tốt cũng như phát huy những mặt tốt. Còn ở bài “Thử thách tư duy” chắc chắn sẽ khó hơn với những câu đố đòi hỏi sự sáng tạo,tưởng tượng, tư duy toán học logic, hay đôi khi chỉ cần đọc và phân tích kĩ đề bài sẽ ra đáp án. Có những câu mà mình vui vì giải được, cũng có không tự trả lời được nhưng nhìn lời giải mới “à, ra vậy…”, thậm chí có câu mình khá bối rối vì đọc xong lời giải mà vẫn không hiểu(những đoạn như vậy mình thường đánh dấu “?” để hỏi hoặc bàn luận với người khác sau). Nhìn chung đây là điểm mà mình khá thích ở cuốn sách vì nó giúp mình không đọc một cách thụ động mà sau đó còn được động não một chút, được tiếp cận nhiều câu hỏi và lời giải thú vị.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, Harvard bốn rưỡi sáng vẫn còn một số điểm mà mình thấy cần được đưa ra bàn luận:
1. Như mình đã nói ở trên, những thông tin trong sách được đánh giá là chưa thực sự đúng, cụ thể là đời sống học tập của những sinh viên Harvard. Sau đây là nguyên văn đoạn có thể nói là bị tác giả “phóng đại”:”Người ta nói trong nhà ăn sinh viên của Harvard, rất khó để nghe được âm thanh nói chuyện, mỗi sinh viên đều mang theo pizza và nước ngọt, ai cũng đều vừa ăn vừa đọc sách hoặc là ghi chép. Rất hiếm thấy học sinh nào đó chỉ tập trung ăn mà không học, cũng rất ít thấy sinh viên nào vừa ăn vừa nói chuyện. Ở Harvard, phòng ăn không chỉ là nơi dùng cho việc ăn uống, nó còn là một thư viện. Bệnh viện Harvard cũng như thế, yên tĩnh đến nỗi có bao nhiêu người cũng như một, không ai không đọc sách hay ghi chép. Bệnh viện cũng là một hình thức khác của thư viện”. (Theo báo VN Express đăng ngày 5/6/2021). Mình nghĩ một khi sách chứa đựng thông tin bị phóng đại có thể khiến độc giả mang cảm giác không thật sự tin tưởng, nặng hơn là không bị thuyết phục bởi những lí lẽ trong sách, dẫn đến việc chỉ để tâm đến khuyết điểm của cuốn sách mà bỏ qua những giá trị, bài học quý giá mà nó mang lại. Đây gần như là suy nghĩ ban đầu của mình về “Harvard bốn rưỡi sáng”, thế nhưng nếu ta tự hỏi “Nếu tác giả không biểu tượng hóa Harvard thì sao?” Nếu vậy có thể những bài học thành công mà tác giả muốn gửi gắm sẽ chẳng còn mang tính thuyết phục, mất đi tính hiệu quả của cuốn sách. Để làm rõ hơn cho câu trả lời này, mình xin trích nguyên văn đoạn giới thiệu tác giả ở đầu sách: “Tác giả đã biểu tượng hóa Harvard trong lòng các bạn trẻ, qua đó giúp họ thêm cần cù, nỗ lực, tự tin, nhiệt thành, sáng tạo và chủ động, biết nắm bắt thời cơ, cuối cùng trở nên ưu tú hơn nữa.” Như vậy qua đây, mình nghĩ chúng ta hãy hiểu,thông cảm và đón nhận phương pháp này của Xiu-Ying Wei để có thể tận hưởng cuốn sách một cách trọn vẹn nhất.
2. Điểm thứ hai mà mình nhận thấy là có sự mâu thuẫn giữa hai đoạn sau:
“Mỗi người đều có sức tưởng tượng và năng lực sáng tạo vô cùng phong phú, nhưng trong quá trình trưởng thành, những tác động bên ngoài và kiến thức vốn có sẽ dần bao bọc chúng ta lại, chúng bảo với chúng ta “không phép tắc không thể vuông tròn”, khiến chúng ta làm việc luôn phải tuân theo những quy tắc, quy định, để cuối cùng bước vào ngõ cụt.”
với…
“Thầy hiệu trưởng mượn câu chuyện này của John để dạy cho toàn bộ thầy trò Harvard hôm đó một bài: bất cứ lúc nào, đều phải làm theo quy định, phải quản lí được bản thân. Ngược lại, nếu không thể kiềm chế bản thân thì phải tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản mà mỗi chúng ta đều phải tuân thủ trong cuộc sống hằng ngày.”
Thật ra hai điều này hoàn toàn có thể bổ sung ý nghĩa cho nhau, nhưng mình không đồng tình với cụm từ “bất cứ lúc nào” ở đoạn hai – phép tắc đúng thật rất quan trọng, nhưng nếu “bất cứ lúc nào” cũng quá kỉ luật thì sẽ mất đi tính sáng tạo như đã nói ở đoạn một.
Giờ thì sau khi đọc xong cuốn sách, mình cảm thấy như được truyền một chút động lực học tập cũng như biết thêm được một số phương pháp, nguyên tắc học hữu ích để sẵn sàng bắt đầu một năm học mới. Đó mới chỉ dừng lại ở bài học nhận thức, còn hành động, áp dụng chúng như thế nào mới là quan trọng và là yếu tố quyết định thành công.