
Sở hữu phong cách văn chương khác biệt và độc đáo, Haruki Murakami là cái tên đã được biết đến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và trong sự nghiệp văn chương của mình, có thể nói, Rừng Na Uy chính là tác phẩm đã mở ra thời kỳ hoàng kim cho sự nghiệp của ông khi đưa tên tuổi ông vượt khỏi đất nước mặt trời mọc và đến gần hơn với những độc giả trên toàn thế giới.
Những tiểu thuyết của Haruki Murakami luôn chất chứa sự cô độc, đó là những trang sách ảm đạm về cuộc sống hằng ngày của con người khi phải đối mặt với hàng loạt bi kịch mà không thể tìm ra lối thoát. Và Rừng Na Uy chính là tác phẩm điển hình cho loạt phong cách văn chương u buồn ấy khi tái hiện những mất mát, đau thương trong cuộc đời của Toru Watanabe cũng như các nhân vật khác, từ đó mang đến nỗi trăn trở về thực tại cho nhiều độc giả.
Văn phong nhẹ nhàng, không vồ vập, cũng không dùng những ngôn từ mạnh bạo, nhưng giọng văn của Haruki Murakami luôn khiến người đọc day dứt khôn nguôi trước những gì cảm nhận được. Với Rừng Na Uy, không một giây phút nào trái tim bạn có thể ngừng thổn thức và không một khoảnh khắc nào bạn dừng suy nghĩ về số phận và cuộc đời.
Có ba hình tượng gây ám ánh xuyên suốt tác phẩm. Đó là: Rượu, Tình Dục và Cái Chết. Watanabe uống rượu như sử dụng một thứ nước giải khát thông thường. Không chỉ Watanabe mà bạn bè và những người xung quanh cậu luôn đắm chìm trong thứ men say độc hại ấy. Có lẽ, nếu không có rượu, họ sẽ không còn là họ và chúng ta cũng chẳng thể nào có thể theo dõi một câu chuyện giống như “Rừng Na Uy”.
Toru Watanabe là một sinh viên không mấy nổi bật. Anh không nổi trội so với những bạn bè đồng trang lứa, có sức học trung bình và hiếm khi chủ động xây dựng các mối quan hệ.
Trước khi vào Đại học, Toru từng có khoảng thời gian đáng nhớ bên người bạn thân Kizuki và người yêu của Kizuki, Naoko. Họ là một bộ ba thân thiết khi luôn làm mọi thứ cùng nhau, chính điều này đã mang lại niềm vui cho những năm tháng tuổi trẻ của Toru.

Thế nhưng sự ra đi của Kizuki ở tuổi mười bảy đã khiến Watanabe rơi vào hụt hẫng trong một khoảng thời gian dài. Cả anh và Naoko đều đau đớn trước cái chết của Kizuki, họ bắt đầu trò chuyện nhiều hơn để giải tỏa nỗi buồn, từ đó trở nên thân thiết..
Toru yêu mến Naoko, anh thường xuyên đi dạo cùng cô và giữ liên lạc khi cả hai xa nhau vì việc học. Dù luôn viết thư cho bạn mình nhưng Toru không hề biết rằng Naoko phải điều trị tâm lý sau khi chứng kiến sự ra đi của người yêu và chị gái.
Phải chuyển đến nơi xa để chữa bệnh khiến Naoko im lặng với Toru trong một thời gian dài. Điều đó khiến cho Toru đau khổ. Thế nhưng, nỗi cô đơn ấy đã được xoa dịu khi anh gặp Midori, một cô nàng cá tính và thẳng thắn.
Midori rất hoạt bát và năng động, cô luôn trò chuyện và gặp mặt Toru vào cuối tuần. Dù đôi khi anh thờ ơ nhưng Midori chưa từng giận dữ, ngược lại tâm trạng của cô ngày một vui vẻ mỗi khi ở bên người bạn ấy.
Naoko và Midori đối lập hoàn toàn về tính cách lẫn cuộc sống, một người luôn bị bao trùm bởi bóng tối dù đã nhiều lần cố thoát ra và người còn lại như ánh nắng mặt trời ấm áp của buổi sớm mai.
Nếu Naoko phải đối mặt và bị nhấn chìm bởi nỗi lo âu thì Midori lại mạnh mẽ vượt qua những vết thương tinh thần. Cô luôn vui tươi, lạc quan dẫu sống trong một gia đình thiếu thốn tình thương và đến cả tình bạn cũng nhạt nhòa.
Những mối tình trong Rừng Na Uy chính là hiện thực của đời sống thanh niên Nhật Bản lúc bấy giờ khi họ mất đi phương hướng, cô đơn và cảm thấy lạc lõng giữa một cuộc đời vô vị. Họ coi tình dục là cứu cánh và hy vọng tình dục có thể lấp đầy cuộc sống của mình. Những ý niệm về cái chết luôn thường trực trong những tâm hồn bị tổn thương. Naoko đã rơi vào ám ảnh tinh thần khi phải chứng kiến cùng lúc hai cái chết của người tình và chị ruột. Cả hai đều tự sát ở tuổi mười bảy. Và có lẽ không ai hiểu nguyên nhân vì đâu họ lại tìm đến cái chết, khi đêm trước họ còn vui vẻ với mọi người và ngày hôm sau họ đã lựa chọn rời bỏ cuộc đời. Để rồi, chính cô cũng lựa chọn kết thúc ấy.
Naoko luôn chông chênh giữa Kizuki và Toru, Toru chông chênh giữa Naoko và Midori. Còn Reiko muốn trở lại với cuộc đời bình thường với sự thử nghiệm tình dục để biết mình vẫn còn là một người đàn bà thực sự. Nghĩa là tình dục ở đây được sử dụng như một phương tiện để đi tìm bản ngã của mình chứ không phải xuất phát từ tình yêu và cảm xúc. Có lẽ vì vậy mà những nhân vật trong Rừng Na Uy đã vô cùng hào phóng với tình dục. Họ đã lựa chọn nó như một cách để lấp đầy những nỗi cô đơn và ám ảnh.
Sự hiện hữu của tình dục đã xuất hiện đại đai số trong các khung cảnh. Không thô thiển hay dung tục, với Rừng Na uy, đó là một trong những yếu tố tạo nên sự lôi cuốn của tác phẩm. Ta có thể nhìn thấy trong đó những khắc họa chân thực nhất về mỗi nhân vật: niềm hạnh phúc, nỗi tuyệt vọng và cả những lời cầu cứu không bật lên thành tiếng.
Khát khao tình dục là bản năng của mỗi cá thể. Và Murakami đã thông qua nó đẩy tâm lý nhân vật lên cao trào, giống như những nốt nhạc trong bản nhạc giao hưởng vang lên và để lại cho người ta những cảm xúc và khơi gợi… Tình dục là khởi nguồn của mọi bi kịch trong tác phẩm nhưng cũng là cánh cửa giải thoát cho những số phận trong cái xã hội đầy u ám và khắc nghiệt ấy.
Và rồi trên tất cả, khủng khiếp nhất đối với con người đó chính là cái chết. Trong Rừng Na uy, từng người một đã lựa chọn cái chết theo cách mà chẳng ai ngờ tới. Đa phần trong số đó là tự kết liễu cuộc đời mình.
Cái chết hiện diện như phản ánh sự tuyệt vọng đến tột cùng và khao khát tìm ra sự giải thoát cho riêng mình.
Rừng Na Uy đã thật sự thành công trong việc tái hiện nỗi cô đơn của những người trưởng thành. Tuy họ đều có những nỗi đau và góc khuất riêng biệt nhưng tất cả đều đã ra đi theo một kết thúc u buồn, điều đó khiến độc giả không khỏi suy ngẫm về xã hội Nhật Bản những năm 1960.
Tác phẩm đã đưa Haruki Murakami trở thành ngôi sao sáng trên nền trời văn học thế giới. Dẫu nặng nề, u ám, thế nhưng Rừng Na Uy vẫn mang đến cho độc giả những thông điệp tích cực về cuộc sống. Wantanabe đã đi qua những năm tháng lưng chừng tuổi trẻ một cách khó khăn, anh đã bỏ lại sau lưng những mối tình chớp nhoáng, đã lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân thương nhất, đã trải qua những tháng ngày đau khổ với chính mình. Nhưng Watanabe chưa từng nghĩ về cái chết. Anh chỉ băn khoăn đi tìm ý nghĩa của sự sống, dù nó không thật nhiều ý nghĩa, và anh vẫn lựa chọn điều đó như một sự khẳng định, trong anh vẫn tồn tại những hi vọng về ngày mai.
Ngay trong những ảm đạm và ám ảnh, Rừng Nauy lại đưa đến cho độc giả một nguồn động lực mạnh mẽ để nhờ đó mà mỗi chúng ta biết được bản thân mình không phải là người duy nhất cô đơn, không phải là người duy nhất không hoàn hảo. Cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo, chính bởi chúng ta là những cá thể không hoàn hảo nên mới cần dựa vào nhau, cần có nhau trong cuộc đời này, để bù đắp vào những khoảng trống chênh vênh, đó phải chăng chính là ý nghĩa của sự sống, là lý do mà ta phải tiếp tục tồn tại trên thế giới này?