Trưởng thành không đáng sợ – KHÔNG CÓ KẺ TỬ VÌ ĐẠO, KHÔNG CÓ KẺ ĐỌC TÂM TRÍ

truong thanh khong dang so
“Nhà em có 5 người, em sống cùng 4 người bạn khác ạ”.
Tôi luôn thích thú quan sát biểu cảm của mọi người khi tôi nói câu ấy ra. Bởi lẽ, gần như 10/10 người sau khi tôi nói vậy đều không giấu nổi sự ngạc nhiên, và thường hỏi lại thêm 1 câu nữa (hoặc có thể họ đang tự nhắc lại cho chính họ nghe, tôi cũng không biết chắc): “5 đứa con gái bọn em ở với nhau ý hả”. Và khi ấy tôi cũng tự hào khẳng định lại lần nữa: “Vâng bọn em ở với nhau gần 2 năm rồi, ở quen rồi còn không muốn tách ra cơ”
Đúng là như vậy. 5 người chúng tôi – 5 cá tính rõ ràng khác nhau nhưng bằng 1 cách nào đó, chúng tôi vẫn ở với nhau gắn bó tới gần 2 năm. Nhưng mà nói là suốt 2 năm ấy chúng tôi luôn hòa thuận và vui vẻ thì hẳn là không phải. Có thể chúng tôi chưa lao vào đánh nhau thôi chứ chúng tôi đã không ít lần khó chịu với thành viên khác trong nhà đến mức thà lang thang đâu đó còn hơn là về nhà đụng mặt nhau.
Đã có đứa từng quyết định không ăn ở nhà một bữa nào, cứ đến giờ ăn là nó sẽ cầm theo chiếc túi và ra khỏi nhà. Lý do thì là bởi: nó cảm thấy những người khác trong nhà không dọn dẹp khu vực bếp theo ý nó muốn, và rằng nó luôn là người phải dọn vì nếu không sẽ chẳng ai làm. Vậy là cứ đến khi cả 4 người còn lại đang quây quần chuẩn bị ăn cơm, con bé lại mở cửa lẳng lặng đi. Lúc đầu, những người còn lại trong đó có tôi không hề biết lý do này, chỉ cho rằng con bé có việc bận nào đó mà thôi. Và khi vô tình biết được sự thật kia, chúng tôi tự dưng cảm thấy có chút tổn thương, dần dần có khoảng cách hơn với cô bạn này.
Lần nọ, chính tôi lại dần dần trở nên cáu bẳn và bực bội mỗi khi ở nhà. Thời gian đó, một thành viên khác trong nhà tôi thường xuyên mời bạn trai của của nó đến nhà chơi. Và dù ngôi nhà bé tí chỉ vỏn vẹn 1 phòng ngủ 1 phòng khách của 5 đứa con gái cùng ở, người bạn trai này vẫn vô tư ở lại hàng giờ đồng hồ, bất chấp tôi ngấm ngầm bày tỏ thái độ không tự nhiên đến mức nào. Thành viên ấy, cũng là người bạn thân lâu năm của tôi, lại chẳng hề nhận ra sự khó chịu ấy một chút nào. Và sự khó chịu ấy không chỉ mình tôi, mà một vài thành viên khác cũng đồng tình và có chung cảm xúc ấy. Khó hiểu là chúng tôi lại luôn mong và tin rằng cô bạn kia sẽ tinh ý nhận ra tất cả những điều này rồi chấm dứt thói quen ấy. Nhưng không, dường như cô ấy chẳng để ý và cũng không hiểu rằng những người còn lại đang khó chịu ra sao vì thói quen của mình.
Sự thật là tức tối, bực dọc trong bóng tối như vậy còn đáng sợ hơn là một trận cãi vã thật lớn để giải quyết vấn đề. Thật may là, những sự kiện này không kéo dài mãi mãi. Chúng tôi cuốn cùng cũng đã giải quyết chúng, bằng cách ngồi lại, nói chuyện thẳng thắn để đưa ra phương án thỏa mãn tất cả. Việc dọn dẹp kia chúng tôi thống nhất rằng sẽ quy định lại người có trách nhiệm đảm nhận, còn vấn đề kia sau khi được đưa ra bàn luận, cô bạn ấy cũng hứa sẽ giảm thiểu và giới hạn số lần bạn trai mình có thể qua chơi.
Nhưng nói chung, chúng tôi cũng đã phải vật lộn với những cảm xúc tiêu cực rất lâu sau mới có thể giải quyết ổn thỏa như thế. Và tôi ước, mình đã học được bài học về “người tử vì đạo” và “kẻ đọc tâm trí” này sớm hơn khi bước vào cuộc sống trưởng thành.
Hai khái niệm (hoặc gọi là hai triết lý cần nhớ cũng không ngoa) mà gần đây tôi biết đến khi đọc cuốn sách “Trưởng thành không đáng sợ”: Không có người tử vì đạo, không có kẻ đọc tâm trí. Đây là những quy định vô cùng thiết thực và thẳng thắn, nên có ở mọi ngôi nhà sống chung. Người tử vì đạo có thái độ: “Nếu tôi không làm việc đó thì không ai làm cả” (và đó chẳng phải là quá giống câu chuyện đầu tiên mà tôi đề cập sao?). Vấn đề là thái độ này làm các mối quan hệ xấu đi và cho phép người khác thực hiện những hành vi tồi tệ mà không phải chịu trách nhiệm. Những kẻ bày ra mớ hỗn độn mà không cần phải dọn dẹp, còn người tử vì đạo thì sục sôi vì giận dữ (đôi khi tự cho rằng mình làm thế là đúng), nhưng lại không bày tỏ nỗi thất vọng của mình cho đến khi giọt nước tràn li. “Không có kẻ đọc tâm trí” cũng là một bài học tương tự. Nó có nghĩa là bạn phải thực sự diễn đạt thành lời những suy nghĩ của mình. Sự tùy ý, vô tư của người khác đang làm bạn phát điên ư? Vậy hãy nói ra đi nào. Đừng mong đợi những người xung quanh bạn có thể đọc được suy nghĩ của bạn như thế. Vừa tốn sức tức giận, vừa phá hủy mối quan hệ của chúng ta.
Hmmmm, thử nhớ lại xem có phải các bạn cũng đã gặp những trường hợp tương tự, không chỉ với bạn cùng phòng/người sống chung mà cả trong môi trường công việc? Tôi bỗng thấy mọi mâu thuẫn mình gặp phải trước đây trở nên thật dễ hiểu khi đọc được những điều này. Và khi đã hiểu ra thì tôi thấy mình bao dung với chính mình hơn trước kia rất nhiều. Chẳng còn tự hành hạ mình vì sự tức giận độc hại và cũng không tự tay đẩy các mối quan hệ của mình ra xa nữa, không chỉ trong nhà mà cả trong công việc, học tập. Ít nhất thì hãy cố nói ra để làm rõ đã chứ, vì nhớ rằng
“Không có người tử vì đạo, không có kẻ đọc tâm trí” mà!!!!