Viết Về Chuyện Đọc Haruki

viet ve chuyen doc haruki murakami
Không nhận mình là độc giả nhiệt thành của Haruki Murakami, chỉ là một kẻ đọc nhiều sách mà bác ấy viết. Một vài cuốn khiến tôi nghiền ngẫm. Nhưng cũng có những quyển khiến tôi chỉ ngấu nghiến để biết kết cục.
Ý là tôi không hẳn là kẻ hâm mộ mọi câu chuyện mà bác ấy viết.
Dù luôn tìm kiếm những chân tình đậm đà gia vị cuộc sống, nhưng tôi lại không âu yếm văn chương ủy mị tràn trề những ca thán hay ca tụng điều gì đó.
Chắc cũng vì vậy mà tôi tò mò và yêu mến lối văn của Haruki – không trịch thượng nhưng lại đặc sắc châm biếm. Cả cái góc chán chường của xã hội hiện đại, thứ luôn choáng ngợp trong những tác phẩm của Haruki.
Đồng ý là yếu tố siêu thực khiến những câu chuyện lôi cuốn hơn. Nhưng điều làm tôi thích thú là Haruki (trong một vài tác phẩm) đã không làm bớt đi những ‘đụng chạm’ đến khoảng không gian đời thường và riêng tư của mỗi người.
Để tôi giải thích chuyện này một chút.
Trong Kafka bên bờ biển, cuộc chạy trốn để quay lại tìm kiếm căn nguyên của sự sống và tồn tại được phủ lên lớp áo của ly kỳ trong cuộc phiêu lưu của Kafka Tamura và bác Nakata. Hấp dẫn và hồi hộp không hẳn vì tôi muốn biết họ sẽ như thế nào. Mà là vì lòng tôi chộn rộn những thắc mắc về ý nghĩa của chính mình. Của một cuộc đời trong mênh mông vạn người!
Hay khi tôi đọc câu chuyện ngắn, mỏng tanh – Lắng nghe gió hát. Trong đó chẳng có gì ngoài tỉ mẩn độc thoại nội tâm và những cuộc hội thoại lạ lùng. Vậy mà sự bất thường đó vẫn khiến tôi thấu hiểu những bận tâm đời thường. Về thứ ủ ê của một tuổi trẻ đáng lẽ nên tràn đầy khát vọng.
Trong khi, Những người đàn ông không có đàn bà kể những câu chuyện về niềm đau và nỗi nhớ vì đã được yêu, chưa được yêu, và khao khát yêu. Nồng nàn dục vọng, hy vọng về tình yêu vĩnh cửu, hay vụn vỡ của chính thứ niềm tin viển vông đó? Có lẽ là tất cả những thứ đó, những điều tôi cảm nhận khi đọc tuyển tập này!
Lấp đầy những khoảng trống thời gian bằng chiêm nghiệm về những thứ như thế liệu có ích gì? Viết về những cuộc hành trình mà cái kết không chắc là viên mãn chỉ để khiến mọi nỗ lực trở nên vô nghĩa sao?
Tôi không nghĩ vậy.
Viết những điều này không phải để thi vị hóa sự bức bối trầm cảm mà chúng ta đều ít nhiều trải qua. Viết về chúng để bớt đi gánh nặng về chuyện phải trở nên thật lẫy lừng!
Hầu hết những nhân vật trong sách của Haruki đều đánh đổi điều gì đó và trả giá cho chính thứ đó. Những thứ sâu thẳm bên trong nội tâm con người được lôi ra trần trụi đến mức ta nhận ra “tất cả đều như nhau”.
“chẳng có ai có sức mạnh phi thường hơn người đâu. Tất cả đều như nhau. Kẻ sở hữu thứ gì đó thì sợ hãi một ngày nào đó sẽ đánh mất, kẻ không có gì trong tay lại lo lắng vĩnh viễn chẳng có được gì.” (Lắng nghe gió hát)
Sự ích kỷ, mưu cầu chiếm hữu, tình yêu và dục vọng, lý tưởng hay mơ mộng,… Những băn khoăn mà Haruki gói ghém trong suy tư của nhân vật, có lẽ, chứa đựng cả những thứ tôi chưa dám để bản thân mình đối diện!
viet ve chuyen doc haruki murakami
Nhưng tôi vẫn không là người hâm mộ mọi câu chuyện mà bác ấy viết.
Có rất nhiều tác phẩm mà đa số bạn đọc nhiệt liệt tán thán, như Biên niên kỷ chim vặn dây cót, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo, Tazaki Tsukuru không màu, 1Q84,… còn tôi thì chỉ nôn nóng đoạn kết đến thật sớm cho… xong cuốn.
Thậm chí, tôi đã chuẩn bị những đoạn văn dài để chỉ ra những điều tôi không thích ở chúng. Nhưng rồi tôi không thể tự trả lời cho câu hỏi vì sao tôi nên làm vậy. Để chứng minh tôi không tôn sùng Haruki hay để tỏ ra khác biệt? Tôi không rõ.
Sự thiếu chắc chắn đó khiến tôi tìm kiếm ý tưởng mới cho phần kết của bài viết này.
Thật ra, sách và ý nghĩa có thể không đến cùng nhau. Như tôi phải mất nhiều năm để hiểu những sầu muộn và cô đơn trong Rừng Na Uy là có thật.
Tôi đã đọc lại nó vào những năm tháng lòng mình còn tin rằng sẽ có một cơn gió thần kỳ đến và thổi bay nỗi buồn, những thất vọng, trống trải của tuổi trẻ.
Nhưng cũng chính tuổi trẻ này mới khiến tôi nhận ra mình chỉ có những thứ đó mới khiến những hân hoan, sự tự tôn, và những trọn vẹn trở nên ý nghĩa.
Rừng Na Uy vẫn như vậy thôi, từng ấy câu chữ và nội dung như lần đầu tôi đọc nó. Duy chỉ những trải nghiệm và chiêm nghiệm mới mang lại những lớp nghĩa khác về câu chuyện của chính mình.
Tôi nghĩ mọi thứ nên được nhìn nhận theo chiều dài thời gian, hơn là những bộp chộp của thời điểm.
Có thể lắm, mấy năm nữa tôi lại ngồi xuống và viết về các tác phẩm mà giờ chẳng mấy mặn mà. Cũng giống như tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu mến Rừng Na Uy nhiều như bây giờ.
Viết về chuyện đọc Haruki để làm gì?
Chẳng có gì to tát đâu, chuyện đọc sách và cảm nhận cũng chỉ là những câu chuyện cá nhân thôi. Nên tôi chỉ muốn nói một chút về những thời điểm mà sách đã trở lại với tôi nhưng mang những sắc thái và ý nghĩa khác.
Những tác phẩm xoa dịu nỗi niềm cứ chực trào ra, nhưng khó giải bày bằng lời nói hay những cuộc chuyện trò. Chúng sẽ xuất hiện hay quay về thôi khi chúng ta cần nó nhât. Tôi tin như thế!